HƯƠNG CANH

THÔNG TIN LỊCH SỬ -VĂN HÓA- CON NGƯỜI HƯƠNG CANH XƯA & NAY.

CÂY ĐA CỔNG LÀNG

CÂY  ĐA  CỔNG  LÀNG

 1180_A_20120809_1316951799

Quê mình Cổng Hính có cây đa

Rễ phụ lưa thưa dáng đã già

Đỏ thắm hoa mừng chim sáo nhỏ

Xanh rờn lá vẫy xóm làng ta

Chiều hè tuổi hạc vui thư giãn

Bóng mát nhi đồng tập múa ca

Doạ trẻ ma rừng hay ẩn hiện

Đêm đông sợ hãi rúc chăn bà.

                         Trần Ngọc Bích

Lời bình:

Bài thơ làm theo thể thơ Đường Luật thất ngôn bát cú, lời  thơ súc tích vừa miêu tả được vừa gợi nhớ những kỷ niệm êm đềm.

Bài thơ  “CÂY  ĐA  CỔNG  LÀNG” miêu tả một cổng làng, một cảnh tả thực của bức tranh quê ở làng Hương Canh năm xưa. Chiếc cổng làng Hương về phía chợ Cánh xưa có tên là cổng Hính- có lẽ đây là từ cổ nên không ai rõ nghĩa là gì.

Trong trí nhớ của những người già Hương Canh, nơi cổng Hính xưa nay nằm trên con đường từ Đình Tiên Canh ra chợ Hương Canh, cổng được xây bằng gạch cuối đời Nguyễn theo lối kiến trúc hai tầng , trên có gác canh cho tuần phiên , dưới  là cổng vòm có cánh cổng gỗ vững chắc.Mỗi khi tối đến, cổng làng được đóng kín, cùng với lũy tre xanh dày đặc mọc ken kín như trùm lên cả cổng làng  Hai bên cổng phía ngoài có hai cây đa tán vừa rộng lại rất cao. Xưa kia ít nhà cửa nên người làng dẫu đi xa lắm  vẫn nhìn thấy tán cây đa từ rất xa đến nỗi người kiếm củi vùng Thanh Lanh nhìn xa xa về làng Cánh vẫn thấy tán hai cây đa ấy.

Những năm làng bị giặc tạm chiếm (1949-1954) lũy tre làng bị chặt gần hết chỉ còn trơ lại cổng làng và hai cây đa.

Sau cải cách ruộng đất ở Hương Canh, một cây đa bị bão quật đổ, cây còn lại hạ vào những năm sau đó để đóng bàn ghế cho học sinh cấp một của xã. Còn lại chiếc cổng gạch trơ trọi không còn tác dụng như một chiếc cổng bảo vệ làng, cổng Hính được bỏ đi để lại nỗi nhớ cho những người làng Cánh về hình ảnh một thời không xa. 

Hiện nay tại thư viện Viện KHXH còn lưu trữ bức ảnh cổng Hính năm 1937 chụp từ bên trong ra. Chúng tôi sẽ công bố trong thời gian tới để mọi người cùng có cơ hội ngắm nhìn hình ảnh quê Hương.

Cổng Hính xưa ở trên con đường từ đình Tiên ra chợ Cánh

Cổng Hính xưa ở trên con đường từ đình Tiên ra chợ Cánh

Bình luận về bài viết này