HƯƠNG CANH

THÔNG TIN LỊCH SỬ -VĂN HÓA- CON NGƯỜI HƯƠNG CANH XƯA & NAY.

LỊCH SỬ MIẾU THƯỢNG HƯƠNG CANH

LỊCH SỬ MIẾU THƯỢNG HƯƠNG CANH

* * *

Miếu Thượng còn có tên gọi khác là Miếu Gió hoặc Miếu Mong là ngôi miếu cổ linh thiêng nằm tại gò Ngự bên bờ sông Cánh thuộc Thị trấn Hương Canh huyện Bình Xuyên Tỉnh Vĩnh Phúc. Xưa kia Miếu là Miếu thờ chung của cả ba làng Cánh gồm Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh (Tiên Hường) nên cũng được gọi là Tam Canh Miếu.

Miếu Thượng thờ hai vị vua nhà Hậu Ngô là Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn là hai con trai của anh hùng dân tộc Ngô Quyền, ngoài ra còn phối thờ các vị thần khác cùng là nhân thần của thời Hậu Ngô

Theo cách sách chính sử có chép lại, Ngô Quyền là người lãnh đạo quân ta đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt thời kỳ hơn 1.000 năm Bắc thuộc và mở ra một thời kỳ độc lập, tự chủ mới cho nước nhà.

Năm Kỷ Hợi (939), Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ, tự xưng vương lấy hiệu là Ngô Vương Quyền, thành lập một quốc gia độc lập, sử sách gọi ông là Tiền Ngô Vương.

Nhưng sau khi vua Ngô Quyền băng hà vào năm 944 đã ủy thác con trưởng là Ngô Xương Ngập cho đại thần Dương Tam Kha phò tá, nhưng Dương Tam Kha cướp ngôi, tự lập mình làm vua, xưng Dương Bình Vương.

Ngô Xương Ngập chạy về nhà một hào trưởng – Phạm Lệnh Công ở làng Trà Hương, Nam Sách (Hải Dương). Phạm Lệnh Công che chở cho Ngô Xương Ngập, đã ba lần đưa Ngô Xương Ngập vào rừng núi Hun Sơn đào mà trú ẩn, Dương Tam Kha ba lần sai quân đi bắt Ngô Xương Ngập mà không được. Dương Tam Kha lấy Ngô Xương Văn, con thứ hai của Ngô Quyền và Dương Như Ngọc làm con nuôi.

Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh loạn hai thôn Đường, Nguyễn. Ngô Xương Văn dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha. Xương Văn không giết Tam Kha, chỉ giáng xuống làm Chương Dương công. Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập về cùng làm vua, nước ta lúc đó có hai vua. Sử gọi là thời Hậu Ngô.

Tương truyền, vào thời Hậu Ngô, sau khi dẹp loạn Dương Tam Kha cướp ngôi, hai vua đã cùng nhau lên làm vua cai quản đất nước. Khi đất nước đương thuở thái bình hai vua cùng đoàn tuỳ tùng đi săn trong rừng Tam Đảo. Trên đường trờ về kinh đô Cổ Loa, khi thuyền qua một gò đất cao ráo ven sông Cánh có phong cảnh hữu tình, vua đã hạ lệnh nghỉ chân dựng trại tại gò để thịt thú khao quân.

Biết tin vua ngự tại làng, nhân dân trong làng lấy làm vui mừng, cùng chuẩn bị vật phẩm xin bái kiến để tiến dâng vua. Lúc được diện kiến long nhan, dân làng thấy hai vua nhân từ và khoan dung độ lượng lại không để dân chúng phải phục dịch thì lấy làm cảm ân công đức của các Ngài mà xin được lập sinh từ (đền thờ khi còn đang sống) vua thuận theo ý dân mà cho, lòng dân hoan hỷ mở tiệc cảm tạ hồng ân.

Sau khi vua đi rồi, gò đất vua đã hạ trại được gọi tên thành gò Ngự, nhân dân xây lập miếu thờ gọi là Miếu Mong với ý nghĩa dân làng luôn mong nhớ đức vua. Cánh đồng bên sông kia Cánh cũng được gọi là Đồng Mong

Về sau để tôn sùng chốn linh thiêng nơi vua ngự mà dân làng tôn xưng Miếu Mong thành tên Miếu Thượng với ý nghĩa là Miếu thờ tôn nghiêm cao nhất.

Theo tư liệu diền dã tại địa phương, các bô lão ở Hương Canh cho biết, khi vua hạ trại ở gò Miếu Thượng thì một vị đại thần phò tá hai vua là Đỗ Cảnh Thạc cũng hạ trại đóng quân trên một gò đất khác của khúc sông này cách đó không xa để bảo vệ trại nhà vua. Chỗ ấy sau cũng được xây thành Miếu gọi là Miếu Hạ để thờ ông.

Đỗ Cảnh Thạc có hiệu là Độc Nhĩ Vương, ông là tướng quân thời Ngô Quyền đã có công đánh đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và là đại thần phò tá hai vua thời Hậu Ngô.

Kể từ đó, hai ngôi miếu ngoài làng là Miếu Thượng và Miếu Hạ được nhân dân lập nên để ghi nhớ công ơn đức độ của các ngài đã ban cho ba dân. Sau khi hiển hoá về trời các ngài đã hoá thần hiển ứng phù trì cho dân làng được nhân khang vật thịnh. Hai ngôi miếu khi được dân làng cất dựng vừa là nơi thờ tự và cũng là nơi trấn giữ cho làng xóm được bình yên.

Nhân dân trong làng mỗi khi Miếu Thượng làm lễ, hễ cầu là tất ứng nên càng thấy Miếu linh thiêng hiển hiện mà tôn sùng quanh năm hương khói phụng thờ.

Đến đời Hậu Lê, nhân dân Ba làng làng Cánh đã xây dựng được ba ngôi đình to lớn khang trang, nên đã rước chân linh các vị thần được thờ tại Miếu Thượng về thờ tại ba đình và tôn làm Thành hoàng của Ba làng gọi là Lục Vị Đại Vương. Các vị ấy là con cả của Ngô Quyền là Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập được phong là Thiên Sách Hoàng Đế, con trai thứ củaNgô Quyền là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn được phong là Quốc Vương Thiên Tử và Đỗ Cảnh Thạc là tướng của Ngô Quyền, cùng 3 nhân thần khác được phối thờ là Linh Quang Thái Hậu, Khả Lã Nương Nương và Thị Tùng Phu Nhân.

Tuy nhiên, tuy đã được rước vào trong đình làng nhưng không quên sự tích các vua đã ngự tại nơi đây, dân làng vẫn tôn thờ Miếu Thượng nơi thờ chính của các ngài. Hàng năm, vào dịp đại tế tháng Hai âm lịch hàng năm, dân ba làng mở hội, rước kiệu từ ba đình ra Miếu tế lễ và xin chân nhang để mở đại tế trong ba đình làng. Vì thế từ đó mới có tục rước kiệu cùng nhau từ ba đình ra Miếu Thượng. Tục rước kiệu cũng là diễn tả lại việc năm xưa các làng đã cùng đón rước chân linh các vị vào thờ tại đình.

Trước kia tại cột trụ đình Hương Canh có đối câu đối ghi lại việc này:

Sinh vi vương vi đế,  hóa vi thánh vi thần, Ngô quốc trung hưng quang cựu nghiệp

Công như hải như sơn, đức như thiên như địa, Hương Canh hành tại kỷ hồng ân.

Nghĩa là:

Sống là vương đế, thác là thánh thần, làm sáng lại nghiệp xưa, dựng lại Ngô triều

Công như sông núi, đức như đất trời, ghi nhớ công ơn dừng chân ở tại Hương Canh

Ca dao cổ ở Hương Canh có câu:

“Tháng bảy thì được xem bơi,

Tháng hai xem rước được chơi ba đình”.

Ngày nay, tục rước kiệu ra Miếu Thượng xin chân nhang về ba đình đã được khôi phục vào lễ răm tháng hai, được tổ chức rất long trọng.

Những năm trước Cách mạng tháng 8, tại Miếu Thượng dân làng cắt cử một cụ từ trông coi, sắp sửa đèn nhang những ngày tuần tiết hay khi làng mở hội. Trong đình nếu có ngày tế thì Miếu cũng được mở cửa để làm lễ.

Trước kia, tại Miếu Thượng, không chỉ có ngày Rằm tháng hai hàng năm là lễ chính trong năm được tổ chức tế lễ tại Miếu, mà vào rằm tháng Bảy và ngày lễ hạ điền Rằm tháng 10 hàng cũng làm lễ lớn.

Vào lễ hạ điền rằm tháng 10, các hàng giáp (dòng họ nội tộc) trong làng mổ lợn, cạo lông sạch rồi cùng khiêng ra Miếu Thượng để tưởng nhớ lại tích các vị Thành Hoàng đã nghỉ chân hạ trại thịt thú rừng khao quân, ngoài ra trong lễ Hạ Điền cũng tổ chức lễ tế Thần Nông để mong cầu mong cho mùa màng bội thu. Khi tế lễ xong, làng cử một cụ già xuống ruộng công của làng liền kề với Miếu cấy một hai nắm mạ tượng trưng, mở đường cho mùa cày chiêm. Vì thế gọi là tiệc tháng mười gọi Hạ điền hay lễ xuống đồng.

Làm lễ xong các giáp lại khiêng lợn về về các nhà thờ các giáp để cúng và ăn cỗ của giáp đó tại nhà trưởng họ. Xưa ba làng có 29 giáp, làng Hương Canh có 9 giáp, Ngọc Canh có 8 giáp, Tiên Hường 12 có 12 giáp. Mỗi giáp có một tên gọi để gọi phân biệt với nhau như Trần- Thượng Trong, Trần Thượng Vam, Trần- Chấn Trung, Trần- Nam Khang, Nguyễn Hữu hay Nguyễn Khắc…nhưng chỉ trong 8 tên họ là: Trần, Nguyễn Dương Đường – Trương, Phạm, Tạ, Lê. Tuy vậy quan hệ các giáp là độc lập và không có huyết thống nội tộc.

 Ngày lễ hạ điền rằm tháng Mười, người hàng giáp đầy đường, khi khiêng lợn ra Miếu khăn áo chỉnh tề rất ngộ nghĩnh, đến khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 mới bỏ hẳn.

Về kiến trúc, trước kia Miếu Thượng có kết cấu gồm miếu thờ chính theo kiểu chồng diêm theo lối hai tầng tám mái cùng hai nhà tả vu hữu vu ở hai bên. Bên trong miếu thờ chính có ban thờ trên cao và được đục chạm cổ khéo léo. Phía trước có sân rộng lát gạch Bát Tràng và bình phong đắp hoa văn nổi. Phía bờ sông được xây kè và có tường cao.

Theo tư liệu của viễn Viễn Đông Bác Cổ nay là tư liệu tại thư viện Viện thông tin Khoa học xã hội và và Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ, Miếu Thượng đã được vua Tự Đức triều Nguyễn ban ba sắc phong vào năm Tự Đức thứ 3 (1850) và Tự Đức thứ 33 (1880). Sắc ban cho hai vua Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Các đạo sắc phong này được ban cho thần là vua của tiền triều nên trong sắc có được ghi ban cho “Thiên Sách Vương Miếu” để đại diện cho thần thay vì ghi tên của vua để không phạm thượng. Trước kia các đạo sắc được thờ tại đình Hương Canh nhưng đã thất lạc cùng với đạo sắc khác của đình trong thời kỳ tạm chiếm 1949-1954.

Cũng theo tài liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ trong tập “Xã chí” ghi chếp vào năm 1938 hiện có ký hiệu AJ 05 nay lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ghi lại sơ đồ của Miếu Thượng và được ghi rõ với tên ghi TAM CANH MIẾU. Các phái viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ sau khi khảo sát đình làng có mục sở thị ngôi miếu Thượng và có ghi vào hồ sơ nguyên văn như sau

“MIẾU HƯƠNG CANH, NGỌC CANH VÀ TIÊN HƯỜNG CÓ BA CÁI NHÀ, CÁI GIỮA CHỒNG DIÊM, ĐỤC CHẠM CỔ”

Kèm theo đó có hình vẽ mô phỏng sơ đồ Miếu Thượng. (Bản vẽ)

Với những dữ liệu lịch sử có được thì ngôi miếu cổ trong tư liệu khảo sát đã nêu cũng có thể được xây vào đời Lê cùng với niên đại của ba đình Hương Canh khoảng cuối thế kỷ XVII trên chính nền ngôi Miếu Mong xưa kia. Năm 1959 ngôi miếu cổ được hạ giải và không còn nhiều di vật còn đến hiện nay.

https://huongcanh.files.wordpress.com/2013/08/xa-chi-081.jpg

Tư liệu Xã Chí- Viện Viễn Đông Bác Cổ

Miếu Thượng nằm trên một gò đất rộng rãi và yên tĩnh ngoài làng, nơi đây trước kia vốn ít người qua lại, xung quanh miếu có nhiều cây cổ thụ um tùm, tất cả đã tạo nên một khung cảnh vô cùng cổ kính thâm nghiêm mà mỗi khi tới đây ai ai cũng như thấy lòng cung kính với ngôi miếu cổ của làng.

Vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, Miếu Thượng là một cơ sở cách mạng quan trọng của lực lượng Việt Minh, những năm 1943 -1945. Miếu là một điểm họp và liên hệ của tổ chức cơ sở. Năm 1944-1945, Miếu là nơi cán bộ lãnh đạo của xã phản ánh tình hình, nhận tài liệu thông tin, trao đổi công việc, họp bàn thực hiện nhiệm vụ cho địa phương và là nơi liên hệ với các nơi khác trong huyện.

Năm 1959, do chủ trương và yêu cầu phục vụ xây dựng sản xuất thời điểm bấy giờ, Miếu Thượng bị dỡ phá dỡ hoàn toàn, vật liệu được chuyển về xây dựng một số công trình dân sinh khác

Năm 1995 nhân dân đã lập lại ngôi miếu nhỏ đơn sơ trên nền ngôi miếu cổ đã bị phá dỡ.

Năm 2008, được sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền địa phương, Miếu Thượng được phục dựng và có kết cấu cơ bản như hiện nay.

Vào ngày 25/1/2014 Miếu Thượng được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo quyết định 304/QĐ-UBND ngày 25/1/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày nay Miếu Thượng là một địa điểm nơi tín ngưỡng không chỉ của nhân dân Thị trấn Hương Canh mà còn của cả nhân dân trong vùng. Hằng năm nhằm ngày chính hội rằm tháng hai âm lịch, nhân dân theo lệ cũ tổ chức rước 3 kiệu từ ba đình ra Miếu xin chân nhang về thờ cùng với các hoạt động tổ chức dâng hương trang trọng theo nghi thức truyền thống.

Việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá cùng với những truyền thuyết dân gian của Miếu Thượng đã gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Hương Canh ba làng Cánh ngàn năm văn hiến.

HOÀNH PHI CÂU ĐỐI TẠI MIẾU THƯỢNG HƯƠNG CANH

HOÀNH PHI:

Phiên âm & chữ Hán:

卓立帝王

TRÁC LẬP ĐẾ VƯƠNG

Dịch nghĩa:                   Đế vương xuất chúng.

Ý nghĩa ca ngợi các vị vua của Triều Ngô là nhưỡng người kiệt xuất.

CÂU ĐỐI:

輿

Linh địa dư đồ nam chính thống

Ngô triều hiển hách sử tiền biên

Dịch nghĩa:       

Địa linh cơ đồ nước Nam chính thống

Triều Ngô hiển hách sử sách còn ghi

TƯ LIỆU ẢNH

Toàn cảnh Miếu Thượng ngày nay

Bằng công nhận Di tích Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh cấp năm 2014

PHỤ LỤC:

Đình Hương Canh- Ảnh tư liệu Viễn Viễn Đông Bác cổ năm 1926

Đình Hương Canh- Ảnh tư liệu Viễn Viễn Đông Bác cổ năm 1937

NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÌNH NGỌC CANH | HƯƠNG CANH

Đình Ngọc Canh năm 1997- Ảnh Nguyễn Văn Kự

Đình Tiên Hường năm 1937- Ảnh tư liệu Viễn Viễn Đông Bác Cổ

CÁC ĐẠO SẮC PHONG CỦA TAM CANH

(Theo tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm & Viện Thông tin KHXH)

https://huongcanh.files.wordpress.com/2023/03/image-2.png

NHỚ VỀ MIẾU THƯỢNG

                         Tác giả: Trần Ngọc Bích (1937)

Bài thờ được sáng tác năm 1999 khi Miếu Thượng chưa được phục dựng

Nhớ về Miếu Thượng quê tôi.

Bên bờ sông Cánh một thời vàng son

Miếu xưa cảnh cũ không còn,

Để cho nắng gió mỏi mòn ngóng trông.

Vui buồn mấy vị lão nông

Chiều chiều ngắm cảnh bên sông chạnh lòng

Đâu còn cổ kính rêu phong

Đâu còn bến nước bên dòng sông quê.

Chiều thu nhuộm đỏ lá đề

Ai sang Thanh Lãng ai về Tân Phong

Ai qua đồng Máy, đồng Mong

Nhìn về Miếu Thượng thấy lòng vấn vương

Nhớ người gối đất nằm sương

Miếu là điểm hẹn trên đường đánh Tây.(*)

Mùa hè nóng nực qua đây

Cây xanh gọi gió về vây quang mình

Còn trong thế giới tâm linh

Miếu cho thập loại chúng sinh cậy nhờ

Xuân về chim hót líu lo

Nhớ bao kỷ niệm tuổi thơ mục đồng

Thăng trầm mưa nắng bão giông

Miếu về nhà Miếu dòng sông thẫn thờ….

Nỗi niềm hoài cổ ngẩn ngơ

Cũng xin ghi lại bằng thơ gọi là….

(Miếu Thượng – 1999)

Tài liệu tham khảo:

  1. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư- Bản dịch Viện Sử học
  2. Xã chí Hương Canh- Viện nghiên cứu Hán Nôm
  3. Thần tích thần sắc – Viện Thông tin Khoa học xã hội
  4. Hồ sơ di tích Miếu Thượng.
  5. Kể chuyện làng ta – Cụ Nguyễn Khắc Miễn (1919-1991)
  6. Tư liệu điền dã tổng hợp của Trần Ngọc Đông

Bình luận về bài viết này